Thơ về bánh chưng
Thơ về bánh chưng

Tuyển chọn những câu ca dao tục ngữ về bánh Tét, bánh Chưng – loại bánh truyền thống ngày tết

Thơ về bánh tét, bánh chưng ngày Tết không chỉ phản ánh tình yêu quê hương mà còn giữ gìn và phát huy các truyền thống văn hóa của người Việt. Những câu thơ về hai món bánh truyền thống này thường chứa đựng sự chân thành, tinh tế và gắn bó sâu sắc với các phong tục tập quán. Dưới đây là một số tập thơ hay mà bạn có thể khám phá:

Table of Contents

Tuyển chọn những câu thơ ngắn gọn, súc tích về bánh chưng ngày tết

Dưới đây là những vần thơ ngắn về bánh chưng, những tác phẩm đậm đà hương vị ngày Tết, dành riêng cho những ai đang xa quê và không thể đón Tết cùng gia đình:

1. Ngày 30 Tết – tác giả Thiết Dương

Trông bầy én liệng đẹp như tranh
Chậu quất bên hiên quả trĩu cành
Chị ngắm thầy treo câu đối đỏ
Em nhìn mẹ sắp bánh chưng xanh
Vái thiên cầu địa ban muôn phúc
Mở rượu mừng xuân chúc vạn lành
Chái bếp riêng ta ngồi lặng lẽ
Ước người trong mộng sẽ về nhanh.

2. Tết Đến Nơi Rồi – tác giả Trần Thản

Tết đến nơi rồi các bác ơi
Rượu thời chửa cất, trà chửa phơi
Giò gói còn đang chờ hàng thịt
Bánh chưng chưa gạo, đỗ chưa nghiền.
Lương tháng công ty còn khất nợ
Tiết kiệm ngân hàng đóng cửa cheo
Thôi thế đành thôi đào với quất
Vẽ tạm nơi này bức tranh heo.

3. Chiều 30 Tết – tác giả Thiết Dương

Chờ xuân chậu cúc nở tưng bừng
Bà nội đang bồng đứa cháu cưng
Giữa nắng nàng mai càng thắm đẹp
Ngoài hiên chú vện cũng vui mừng
Xem thầy trước cửa treo câu đối
Ngó mẹ bên thềm gói bánh chưng
Cậu út biên cương về tới ngõ
Trên tay rực đỏ nhánh lan rừng.

4. Nhắc Em – tác giả Gia Long

Nhiệt độ dần về với dưới không
Đợt này giá rét nhất mùa đông
Ngoài đường thưa thớt người qua lại
Em nhớ ra ngoài mặc áo bông .
Chắc tết năm nay sẽ đắt đào
Thôi thì em nhé ta mua hồng
Bánh chưng em nhớ nhờ người gói
Bạn hữu tết này chắc tới đông .

5. Cảm Tết – tác giả Trần Tế Xương

Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo
Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu.
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu.
Bánh chưng sắp gói e nồm chảy
Giò lụa toan làm sợ nắng thiu.
Thôi thế thì thôi đành tết khác,
Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo.

6. Ngày Xuân – tác giả Trần Bảo Kim Thư

Xuân đến trần gian vạn sắc màu
Trong nhà ngoài ngõ tiếng chào nhau
Thọ lâu phước cả… đây lời chúc
Lộc lớn tài cao… đó mộng cầu
Chiếc bánh chưng xanh dâng Mẹ trước
Bao lì xì đỏ tặng em sau
Muôn lòng hớn hở xuân lai đáo
Ai đó vừa trao ước hẹn đầu.

7. Tết Miền Nam – tác giả Đỗ Hữu Tích

Lạ thay cái Tết miền Nam
Mưa không một giọt ,nắng chang chang
Bánh chưng cũng trốn vào tủ lạnh
Khách du quần cộc ngắm mai vàng !./.

8. Lời Xuân – tác giả Lê Gái

Kìa xuân gõ cửa đến muôn nhà
Rạo rực trong lòng cũng nở hoa
Cặp bánh chưng xanh thờ tổ phụ
Đôi câu đối đỏ nối ông cha
Khuyên con gắng giữ miền biên ải
Dạy cháu lo gìn dải Trường Sa
Đất nước nghiêm minh dân phát thịnh
Cầu mong Tổ Quốc mãi an hoà

Tuyển chọn những bài thơ về bánh tét ngày tết

Bánh tét không chỉ là món ăn truyền thống mà còn gắn liền với những kỷ niệm tươi đẹp của ngày Tết, là biểu tượng của sự sum vầy và tình yêu thương. Dưới đây là những bài thơ về bánh tét để bạn có thể cảm nhận được không khí Tết và hồi tưởng về những khoảnh khắc ấm áp bên gia đình:

Thơ về bánh tét
Thơ về bánh tét

1. Nhớ Quê – tác giả Thiên Ân

Hoa mai còn nở thắm bên nương ?
Dáng Mẹ chiều nay đứng góc vườn
Phương ấy tỏa thơm mùi bánh tét
Nơi đây con mải miết trên đường.

Năm này cúc đỏ hàng lên giá
Thuở trước hồng vàng đợi sắc sương
Đông đảo người qua khắp các phố
Mà sao ta vẫn nhớ… quê… hương…

2. Lời Ngõ Mùa Xuân – tác giả Tăng Minh Luân

Này là hoa
Này là chim chóc hát ca
Xuân đã đến.
Ô! Mùa xuân của ta
Từng giọt sương, từng giọt xuân,
Trên đầu ngọn cỏ,
Bao ưu phiền ngày tháng đã xa.

Tiếng gọi xuân xôn xao trong gió
Bánh tét xanh cùng câu đối đỏ
Ô! Nét đẹp mùa xuân đã cho.

Ô! Trời rộng đất dài theo biển cả
Xuân này làm sóng lòng ta
Xuân tràn trề,
Trong tiếng nhạc lời ca.
Xuân của ta
Xuân về niềm vui đang nở hoa.
Xuân cho ta bao ánh nắng trang hòa.
Thôi vẫy chào
Ngày tháng bôn ba./.

3. Câu Thơ Hay Nói Về Bánh Tét – tác giả Gió Bụi

Đêm ba mươi, đêm giao thừa đón tết
Đêm không trăng đom đóm sáng lập lòe
Ngồi quây quần xung quanh nồi bánh tét
Lửa khò khè mà ngỡ muỗi vo ve

Bếp lửa hồng cháy reo vang nứt nẻ
Ấm đôi môi thắp sáng cả đất trời
Tay ngần ngại chạm tay dù rất khẽ
Cũng thẹn thùng cho má đỏ màu môi

Đón năm mới hai tâm hồn mở cửa
Lời chưa trao tim xao xuyến đắm say
Nhỡ sáng mai trái đất không xoay nữa
Anh có em, cũng vui trọn đêm này

Rồi từ đó hai nẻo đường xuôi ngược
Phút vô tình ta đã lạc mất nhau
Trôi tất bật giữa giòng đời ô trược
Kỷ niệm xưa vương vấn chẳng phai màu

Nâng trên tay nhành hoa lưu ly tím
Nhớ về em chợt se thắt cõi lòng
Mỗi hoàng hôn khi tà dương tắt lịm
Tím rừng chiều tím nỗi nhớ mênh mông

4. Anh Mơ – tác giả Lê Viết Tư

Anh tặng em
một bông mai giữa phút giao thừa
Cùng em hơ tay trên bếp lửa
Nồi bánh tét sôi , như tim hai đứa
Cùng nhịp đều đều, nhè nhẹ dấn bùng lên
Đôi má em hồng lửa ấm hai bên
Bàn tay anh run trong làn hoa lửa
Nàng xuân cười bên cửa
Cây cối vươn mình ứa nhựa
Anh lặng im , em lặng im
Nồi bánh sôi giục mãi
Anh hôn em , lửa cười không ái ngại
Pháo hoa bên trời lúc lúc bừng nhanh
Em tựa vào anh , anh cời thêm lửa
Nàng xuân vui bên cửa
Bánh chín lửa hừng , chim sớm gọi ngày xuân.

5. Tết Lại Về – tác giả Ngọc Quang Hà

Mới tiễn xuân đi tháng chạp về.
Thời gian tất bật ngán nhiêu khê.
Xoay qua quẩn lại năm gần hết.
Thấm thoát đò đưa tết cận kề
Dăm bảy cân giò mâm ngũ quả.
Vài ba bánh tét ấm tình quê.
Vân vê gắn kết cành mai giả.
Ấm kẻ tha hương rộn tứ bề.

6. Bánh Tét Thán – tác giả Trần Đại

Ngồi canh bánh tét
Nhớ một thời hò hét thú văn chương
Mà đêm nay ngồi canh lửa dưới chân tường
Cũng là chỗ từng thơ trăng tựa vách

Thơ say đập chén đòi khí phách
Rượu đắng ôm lòng vọng cố hương

Ai bày chi bác ái với tình thương
Cho thi nhân suốt đêm trường ngồi canh lửa
Ôi bánh tét nuôi kẻ cùi ngày ba bữa
Đói hồn thơ con chữ chẳng quay về
Thi nhân chớ lấy hiền thê!

7. Thương Mẹ Trông Con Về Tết – tác giả Lã Thế Phong

Cội mai trụi lá ở góc sân
Khẽ nhắc Mẹ tôi Tết đến gần
Mắt mờ vò võ nhìn ra cổng
Tiếng chó sủa vang lại mừng thầm

Mẹ ạ! lần này con thất hẹn
Chẳng thể về đun bếp lửa hồng
Đòn bánh tét xanh tay mẹ gói
Nấu bằng nôn nóng của chờ trông

Giao thừa lại vắng mùi khói pháo
Nhang trầm thoang thoảng trước bàn thiên
Mẹ lâm râm khấn đêm quạnh vắng
Chắc chỉ lời xin con bình yên

Áo mới dập dìu ba ngày Tết
Lối xóm xum vầy rộn tình quê
Riêng Mẹ đơm đầy mâm kẹo mứt
Bầy con xa xứ chẳng đứa về

8. Tết Về Bánh Chưng Bánh Tét – tác giả Hoàng Bích Hà.

Nếp đậu lá chuối lá dong…

Lạt mềm uốn lượn…

Là xong vuông, tròn

Màu xanh…

Màu của nước non

Mấy nghìn năm…

Với cháu con Vua Hùng

Bánh tét tròn…

Vuông bánh chưng…

Tượng trưng trời đất…

Gói dâng tặng đời

Trải bao biến đổi thế thời

Bánh chưng, bánh tét…

Lòng người nhắc nhau

Ở ăn có trước, có sau

Tình làng, nghĩa nước sống sao vẹn tròn

Bánh chưng vuông, bánh tét tròn

Hai miền sum họp…

Nước non rạng ngời

Giao thừa…

Xuân chuyển đất trời

Cầu mong đất nước đời đời thịnh hưng.

9. Nhịp Xuân Về – tác giả Ngô Hoàng Anh

Bánh tét dưa hành câu đối đỏ
Mai vương trũy nụ sắc tươi vàng
Anh đào ững thẹn làn môi thắm
Én lượn chao dòng dạ ánh dương

Hồn lân say pháo vui mở hội
Tưng bừng háo hức đón xuân sang
Rộn lòng thi sĩ sa ngây bút
Rồng bay phượng múa mực in dòng

Thơ chúc thơ vui muôn dạng tỏa
Thõa lòng ngây ngất trước thềm xuân
Trẻ thơ vui chúc khoe áo mới
Gia đình đoàn tụ mái đoàn viên

Đêm Mùi khuất bóng rạng Bính Thân
Thời khắc giao hoan đón giao thừa
Pháo hoa đua nỡ tuôn vạn nẻo
An khang thịnh vượng đến muôn nhà

10. Tết – tác giả Cam Tuyen le

Bánh tét, bánh chưng, dưa hấu đỏ.
Có hoa mai, có cả hoa đào.
Lạp xưởng, kiệu chua thêm giò thủ.
Để thấy Xuân về, dạ nôn nao …
Rượu rót đầy ly ta cứ uống
Nàng Xuân duyên dáng, nhoẻn miệng chào.
Tận hưởng ngày vui, Xuân dân tộc.
Xuân tự mình ta, vẫn ngọt ngào.

11. Vu Lan Về Rồi Đó – tác giả Nguyên Hữu

Vu lan nặng chuyến hỡi ai còn
Nghĩa mẹ công thầy nỡ héo hon
Chớ để khi cầm đôi bánh tét
Mà hay lại nhớ bận ăn đòn
Rưng rưng lệ khổ vòng khăn trắng
Nghẹn nghẹn tim sầu miếng bánh non
Ầu ơi bóng ngả chiều buông xuống
Vẳng tiếng chuông chùa thức tỉnh con…
VU LAN VỀ RỒI ĐÓ

Sưu tầm các bài thơ về bánh chưng hay ngày tết

Bánh chưng, biểu tượng của sự đoàn viên và truyền thống trong ngày Tết, không chỉ là món ăn mà còn là phần ký ức quý giá của nhiều người, đặc biệt là những người xa quê. Dưới đây là một số bài thơ về bánh chưng ngày Tết, mang đến cảm xúc sâu lắng và xúc động:

Thơ về bánh chưng
Thơ về bánh chưng

1. Bánh Chưng Xanh – tác giả Đặng Ngọc Ngận

Con đi chợ mua đồ về làm bánh
Tết sắp đến rồi, mình cũng đón tến với quê hương
Thịt heo cùng những hạt đậu xanh
Tất cả đều đầy đủ, ngon lành
Về đến nhà, con bắt đầu làm bánh
Công đoạn vẫn gọn gàng như ngày trước mẹ dạy con
Chỉ có điều lạt được thế bởi sợi ni – lông
Và lá chuối con thay bằng vài tấm nỉ
Ở bên này, Berlin con không tìm ra lá ấy
Lạt xé từ tre cũng chẳng có sợi nào
Nhưng mẹ ơi, con vẫn xếp bánh chưng vào
Nồi áp suất thay cho soong trên bếp lửa
Đến giao thừa con nghe lòng mình ngờ ngợ
Một nỗi nhớ nhà, da diết nỗi xa quê
Con vẫn cố gắng mỉm cười và vô tình rơi giọt lệ
Lại nghẹn ngào gọi đó, bánh chưng xanh.

2. Hồi Ức – tác giả Giai Kỳ

Con còn nhớ những ngày xuân năm ngoái
Đứa trẻ con đi lễ chùa cùng mẹ
Chiếc áo dài vướng víu bước chân con
Môi mỉm cười bi bô mẹ à! Ơi …!
Đêm giao thừa nồi bánh chưng bà thổi
Bếp lửa hồng hơi ấm trọn niềm vui
Mùi nếp thơm, thơm mùi lúa mới
Bà kể chuyện đồng, hạt gạo làng ta
Giờ còn đâu những ngày xuân năm ấy
Đứa trẻ con cũng đã lớn hơn nhiều
Không cùng mẹ đi lễ chùa như trước
Không lon ton chạy nhảy nô đùa
Nồi bánh chưng chỉ còn trong tiềm thức
Bà không còn thổi lửa nun hơi
Rồi câu truyện cũng khép vào cổ tích
Ôi! Một thời thơ ấu ở miền quê

3. Bánh Chưng Truyền Thống – tác giả Cong Chinh

Cách gói truyền thống Bánh Chưng.
Vuông vức, tròn lẳn… Tượng trưng đất trời…
Nếp ngon có ở khắp nơi
Lá dong lá chuối sạch phơi vừa mềm…

Thịt heo ướp đậm một đêm
Đậu xanh cà vỏ, nấu thêm tiêu hành
Nếp ngâm qua giấc an lành
Ngoài gạo trong thịt, gói thành tròn vuông

Bánh chưng nên gói với khuân
Bánh tày dày lạt thì luôn dền đều
Thịt ngon không có bèo nhèo
Không xài thịt gáy có nhiều mùi hoi

Bánh chưng không phải là xôi
Dư đủ tám tiếng mới lôi ra xài
Nếu hấy đôi chỗ một vài
Là tại lửa nhỏ thấy hoài thường khi

Vớt nhũn đừng có ngại gì.
Rửa xong ép nhẹ bánh thì đẹp thôi
Chưng tày trưng bày cả đôi
Mới đủ ý nghĩa đất trời ngày xuân…

4. Tết Quê Bà – tác giả Đoàn Văn Cừ

Bà tôi ở một túp nhà tre .
Có một hàng cau chạy trước hè,
Một mảnh vườn bên rào giậu nứa .
Xuân về hoa cải nở vàng hoe .

Gạo nếp ngày xuân gói bánh chưng,
Cả đêm cuối chạp nướng than hồng .
Quần đào, áo đỏ, tranh gà lợn,
Cơm tám, dưa hành, thịt mỡ đông .

5. Chiều Ba Mươi Tết – tác giả Đccb

Ba mươi tết sao trời lạnh quá
Mấy đông tàn tưởng đã không sang
Bánh chưng xanh, nhụy mai vàng
Xuân về có những ngổn ngang nhớ nhà

Ba mươi tết mẹ già có vẫn
Tựa cửa chờ thơ thẩn lo âu
Thằng ba đánh giặc rừng sâu
Thằng tư cánh gió đã lâu không về

Ba mươi tết não nề xứ lạ
Phận lưu đày dạ vẫn chưa nguôi
Nhớ về viễn xứ bùi ngùi
Chiều ba mươi tết ngủ vùi quên xuân

6. Gói Bánh Chưng – tác giả Cong Chinh

Theo Tổ tiên xưa gói bánh chưng
Lá dong, lá chuối ai đã từng?
Đem về rửa lau cho thật kỹ
Lá úa, héo non, bỏ đi đừng…

Gạo nếp thân dài nhìn thơm ngon
Đong ao rửa sạch, vo cho tròn
Chút muối cho đậm, hong khô nước
Gạo đong mỗi cái hai chén con

Đậu xanh đãi vỏ hạt óng vàng
Ba rọi tiêu hành ướp cho sang
Bếp nồi lớn đủ đã soạn sẵn
Gạo lá nhân thịt sắp ngay hàng

Bánh dày tròn lẳn chặt tay không?
Bánh chưng vuông vức đẹp mắt trông
Nhân đậu thịt phải gọn trong giữa
Suốt đêm ninh bánh, hỏi dền không?

Tròn vuông trời đất, nghĩa vợ chồng!
Tiêu tỏi đủ vị trên bếp hồng…
Thời gian bao tiếng đủ kiên nhẫn
Ngấm đậm ngon dền sau tiết đông…

7. Đón Xuân – tác giả Trường Phong

Mấy thuở nàng xuân ghé lại thăm
Tao nhân mặc khách nhớ thương thầm
Hoa đào rộ nở chùm nhung nhớ
Câu đối ông đồ họa cuối năm

Nẩy lộc chồi mai đẹp mỹ miều
Trước nhà ba mới dựng cây nêu
Bánh chưng mẹ nấu thơm mùi nếp
Áo mới em thay dáng diễm kiều.

Nguyên đán theo em đi lễ chùa
Chia nhau trái quít ngọt chua chua
Đốt nhang khấn vái tình đôi lứa
Sư bảo em hiền Bụt chịu thua

Ước ao em trẻ mãi như xuân
Nhí nhảnh hồn nhiên thật dễ cưng
Tết đến đòi quà em nũng nịu
Cho anh hôn nhẹ tóc ngang lưng.

8. Các Con Về Quê Ăn Tết – tác giả Nguyễn Hữu Vinh

Các con về quê ta vui tết nghe con
Bà nội đang gói bánh chưng chờ các con trước cửa
Ông ngoại chân đau, không đi nhiều được nữa
Luôn ngóng chờ cháu con mỗi độ xuân về

Những ngày này bố nhớ những tết quê
Của những năm nao đói nghèo và gian khó
Những gương mặt nông dân nghèo dúm dó
Vẫn cố vui hơn khi mùa xuân trở về

Những chiều nào gió lạnh tái bờ đê
Bóng mẹ già cõi còm trên bờ sông vắng
Trên vai gầy luôn hai đầu gánh nặng
Một đầu nuôi con, và một để nuôi chồng

Để có nồi bánh chưng trong đêm cuối mùa đông
Bà nội con phải bầm chân những ngày đông giá lạnh
Trên những con đường xa xôi cô quạnh
Những phiên chợ xa, đã hóa nên gần

Con về nhà, nhớ đến nghĩa trang
Thắp hương, nguyện cầu cho linh hồn tiên tổ
Tạ ơn người xưa đã vượt qua ngàn gian khổ
Để hôm nay, các con được thành người…

Nghĩ về quê mình, mà nước mắt cứ rơi
Những ngày trên quê hương là những ngày đầy lao nhọc
Nhưng khi đi xa, trong những đêm dài trằn trọc
Hình bóng quê nhà, vẫn cứ đậm trong tim

Những cái tết quê hương sâu nghĩa, nặng tình
Đi theo ta trong suốt thời thơ ấu
Khi xa rồi, lòng ta mới thấu
Chén rượu xuân vẫn say suốt đời mình

9. Bánh Chưng Xanh – tác giả Mai Nhật Nguyên

Mưa phăn trên lối nhỏ
Xuân theo tóc mẹ về
Những nỗi niềm dài ngắn
Hoa râm chiều thôn quê

Bánh chưng xanh vẫn thế
Dẻo thơm tận đáy lòng
Bạc thời gian dây lạt
Vuông tròn buộc ngóng trông

Ai về mang nức nở
Chỉ thấy hoa đào cười
Đâu hiểu gì vời vợi
Lấm lem quầng giấc mơ..!

10. Tất Niên – tác giả Dê

Ngày cuối năm đầm ấm
Bên bếp lửa bánh chưng
Ly rượu thơm điếu thuốc
Hạnh phúc đang trào dâng

Bố khom lưng nhóm củi
Mẹ đun nước lá mùi
Ngát nồng hương xuân mới
Tâm hồn thật vui tươi

Mụ vợ nay thật tuyệt
Chăm chỉ việc tề gia
Thằng Cu con hớn hở
Tết đã đến ngập nhà!

11. Bánh Chưng Bánh Dày – tác giả Lệ Hoa Trang

Khi xưa ở nước Văn Lang,
Đời vua thứ sáu có chàng Lang Liêu.
Vua ra ý muốn một điều,
Là thay đổi chủ trị điều nước non.
Bèn ra quyết định chọn con,
Thi nhau nấu món ăn ngon tuyệt vời.
Cao sang mĩ vị trên đời,
Làm sao có thể bằng trời tính cho.
Ấy nhưng mà lại hay ho,
Chàng Lang Liêu được giúp cho còn gì.
Trong khi suy nghĩ làm gì,
Có ông tiên cụ nhắc ghi vài điều.
Bình thường mà ý nghĩa nhiều,
Bánh chưng ngày tết làm nhiều người mê.
Bánh dày cũng chẳng ai chê,
Bánh thơm gạo nếp tràn trề đậu xanh.
Tượng trưng mặt đất màu xanh,
Bánh chưng gói với lá xanh thành hình.
Lấy xôi giã nặn tròn hình,
Bánh dày là bánh tượng hình trời cao.
Món ăn quý quá làm sao,
Lang Liêu lên được chức cao vô cùng.
Sau này xuân đến khắp vùng,
Người ta lại thấy bánh chưng bánh dày.

12. Lễ Tất Niên – tác giả Nguyễn Hữu

Trang hoàng bày biện bàn thờ
Hương-hoa, đèn-nến, đối-thơ đủ đầy
Mâm bồng ngũ quả tươi bầy
Rượu-bia, cỗ mặn, bánh dầy, bánh chưng
Nén hương quyện ngát thơm lừng
Thiên địa, Tôn thần minh chứng tâm con
Tổ tiên phụng hiếu đạo tròn
Giáng lâm án tọa nghe con thỉnh trình
Phù hộ toàn thể gia đình
Trẻ già lớn bé an bình vui tươi
Thuận hòa khỏe mạnh con người
Tốt lành vạn sự đẹp trời hòa dung
Hôm nay năm kiệt tháng cùng
Đông tàn sắp hết đón mừng tiết xuân
Minh niên hòa quyện xoay vần
Dâng hiến lễ vật tâm – trần – thành dâng…

13. Chiếc Bánh Chưng Xanh – tác giả Lê Hoàng Trúc

Cứ đến xuân lại nhớ về quê tổ
Nhớ mẹ hiền, nhớ mùi cám lên hương
Hoa đào nở, con én đùa trước gió
Ve vẫy chào réo gọi những mầm xanh.
Đêm giao thừa chiếc bánh chưng mẹ gói
Lá chuối xanh mỗi lớp một niềm vui
Bánh năm nay đẹp như con gái mẹ!
Da mịn màng và cũng đượm nét duyên.
Pháo nổ rồi lụp bụp phía ngoài hiên
xác hồng bay xếp thành đường hạnh phúc
Ngày vu quy tôi theo chồng tá túc
Xa mẹ hiền khuất vạn dặm trời mây.
Chiếc mủng tròn ngày cũ vẫn còn đây!
Từng hạt nếp thiếu hơi bàn tay mẹ
Mười năm tròn bên đời con lặng lẽ
Cũng tập tành thay mẹ gói bánh chưng.
Nếp xứ người rời rạc có… là mừng
Thêm hạt đậu cũng không bùi, không dính
Cặm cụi gói với lòng con thầm kính
Khẽ thầm thì như có mẹ ngày xưa
Bánh chín mềm, ngoài trời lợp đợp mưa
Như chân mẹ từ ngàn xa vừa đến.
Tôi gục đầu khấn thầm bên ngọn nến
Đĩa bánh chưng như muốn nói thành lời
xuân lại về!
con mời mẹ, mẹ ơi!
Ngọn nến cười tỏa bùng tràn hơi ấm
Trong nhớ thương dòng lệ trào ướt đẫm
Bánh trên tay tôi khẽ nuốt nghẹn ngào
Con thường chờ mẹ trong cõi chiêm bao
Khi đêm xuống mẹ đừng quên mẹ nhé!.

14. Bóng Dáng Xuân Xưa – tác giả Yên Sơn

Tiếng pháo nổ dòn tan mờ trước mắt
Mùa xuân xưa với âm hưởng thanh bình
Có mai vàng, pháo đỏ, bánh chưng xanh
Và mùi vị ngất ngây đầy huyền bí

Bao năm bon chen vẫn chưa ngưng nghỉ
Xuân vẫn đi, vẫn đến đã bao lần
Vẫn hẹn lòng ráng tống cựu nghinh tân
Để chào đón những đổi thay khả dĩ

Hăm bảy xuân dửng dưng trên đất Mỹ
Đời trầm kha mặc khải đã dư thừa
Vẫn mơ màng kỷ niệm những xuân xưa
Khi pháo nổ, trời xuân cao tiếng hát

Tuyển chọn thơ về bánh chưng dành cho trẻ em

Dưới đây là một số bài thơ về bánh chưng và bánh tét ngắn gọn dành cho trẻ mầm non. Các bài thơ này được viết với ngôn từ đơn giản, dễ nhớ và hình ảnh vui tươi, giúp các em hiểu thêm về truyền thống ngày Tết:

1. Bánh Chưng Xanh – tác giả Sưu tầm

Bánh chưng xanh trong lá chuối,
Gói ghém yêu thương, mẹ nào cũng vui.
Tết đến, bánh chưng là điều kỳ diệu,
Màu xanh lá, lòng đỏ, hạt nếp trắng muối.

2. Vuông Vức Bánh Chưng – tác giả Sưu tầm

Vuông vức bánh chưng, màu xanh lá,
Đậu xanh, thịt mỡ, gạo nếp dẻo thơm.
Tết về, bánh chưng là bữa sáng,
Cùng gia đình quây quần, ấm áp không gian.

3. Bánh Chưng Nằm Yên Trong Nồi – tác giả Sưu tầm

Bánh chưng nằm yên trong nồi,
Hương thơm lan tỏa, mừng người mừng xuân.
Trẻ con đón Tết, mắt tròn xoe,
Chờ bánh chưng chín, chờ quà bánh mới.

4. Bánh Chưng Xanh Bánh Tét Tròn – tác giả Sưu tầm

Bánh chưng xanh, bánh tét tròn,
Câu chuyện Lang Liêu, trẻ thơ mê say.
Tết đến, bánh chưng là bài học,
Về truyền thống dân tộc, lòng trẻ thêm yêu.

5. Bánh Chưng Thơm – tác giả Sưu tầm

ánh chưng thơm, bếp lửa hồng,
Mẹ kể chuyện xưa, trẻ nghe say mê.
Tết đến, bánh chưng là niềm tự hào,
Của dân tộc Việt, trẻ nhỏ ghi nhớ.

6. Hương Bánh Chưng – tác giả Nguyễn Thị Hồng Hạnh

Mẹ ngồi xếp lá dong xanh
Tay cha vén khéo gói thành bánh xinh.
Nếp thơm hạt gạo trắng tinh
Gói vàng hạt đậu quê mình thơm hương.

Nâng niu cha gói nhún nhường
Gói nhân nghĩa gói yêu thương ấm nồng.
Nhặt gom từng chút ước mong
Gói vuông tròn cả nỗi lòng nhớ trông.

Mẹ cha nhóm bếp lửa hồng
Củi than đỏ rực dưới lòng nồi vung.
Lạt mềm thắt chặt bánh chưng
Thắt hương trời đất với cùng hồn quê.

Mỗi khi tết đến xuân về
Lòng con se sắt nhớ quê nhớ nhà.
Tóc giờ bạc trắng sương sa
Bánh chưng của mẹ của cha vẫn thèm.

7. Bánh Chưng – tác giả Sưu tầm

Bên ngoài xanh lá dong xanh
Bên trong nếp đỗ mỡ hành hạt tiêu
Gói nghĩa tình, gói yêu thương
Dẻo thơm từ thuở Lang Liêu tới giờ.

Tuyển chọn số bài ca dao tục ngữ về bánh chưng ngày tết

Dưới đây là tổng hợp những bài ca dao, tục ngữ về bánh chưng và bánh tét, giúp bạn hiểu thêm về giá trị văn hóa và truyền thống của món ăn đặc biệt này:

Bài 1
Rực sắc pháo hoa chào xuân mới.
Vang vọng reo hò với ước mơ.
Bánh chưng xanh bàn thờ tiên tổ.
Ngát hương thơm vái lạy ông bà.

Bài 2
Nhà xanh lại đóng đỗ xanh,
Chung quanh trồng hành, thả lợn vô trong.

Bài 3
Tết về có bánh chưng xanh,
Có niêu thịt mỡ, dưa hành một keo.

Bài 4
Bên ngoài xanh lá dong xanh,
Bên trong nếp đỗ mỡ hành hạt tiêu.
Gói nghĩa tình, gói yêu thương,
Dẻo thơm từ thuở Lang Liêu tới giờ.

Bài 5
Tượng trưng mặt đất màu xanh,
Bánh chưng gói với lá xanh thành hình.

Bài 6
Lạt này gói bánh chưng xanh,
Cho mai lấy trúc cho anh lấy nàng.

Bài 7
Mặt em vuông tựa chữ điền,
Mình em thì trắng áo xanh vận ngoài.
Lòng em có đất có trời,
Có câu nhân nghĩa có lời thủy chung.

Bài 8
Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ,
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh.

Bài 9
Tết về câu đối bánh chưng,
Chẳng ham giò chả chỉ ưng ngứa, xòe.

Bài 10
Mình vuông vức, áo xanh xanh,
Da xanh, thịt trắng, đỗ hành ở trong.

Bài 11
Ăn mày đòi xôi gấc,
Ăn chực đòi bánh chưng.

Bài 12
Chưa ăn bánh tét Đoan Dương,
Áo bông chẳng dám khinh thường cởi ra.

Lời kết

Bánh chưng và bánh tét không chỉ là những món ăn truyền thống đặc trưng trong ngày Tết của người Việt mà còn là biểu tượng văn hóa phong phú, được gìn giữ từ thời vua Hùng. Những bài thơ về bánh chưng, bánh tét không chỉ tôn vinh giá trị ẩm thực mà còn gợi nhớ về những hình ảnh đậm chất truyền thống.